Theo luật Xây dựng sửa đổi 2020, có 3 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Thứ nhất là xây dựng nhà ở riêng lẻ quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư xây dựng công trình trong trường hợp này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương.
Thứ hai là xây nhà ở riêng lẻ ở nông thôn quy mô dưới 7 tầng thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba là xây dựng nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ trường hợp được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
Các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ không thuộc một trong các trường hợp kể trên phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra theo điểm b khoản 36 điều 1 luật Xây dựng sửa đổi 2020, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời (rút ngắn 10 ngày so với quy định của luật Xây dựng năm 2014).
Xây nhà ở TP.HCM vẫn phải xin phép ?
Ông Hoàng Nam, từng công tác tại Sở Xây dựng TP.HCM, nhận xét với các tỉnh thành có dân số không quá đông và chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, thậm chí chưa có quy hoạch chung về đô thị, xây dựng thì đây là một quy định mở, thông thoáng. Đối với các TP lớn, những nơi đã có quy hoạch 1/500 thì việc miễn giấy phép xây dựng cũng là tất yếu bởi trong đồ án 1/500 đã quy định khá chi tiết, khá rõ về chiều cao, khoảng lùi, kiến trúc.
Tuy nhiên, tại các tỉnh thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư tập trung về đông thì việc miễn giấy phép xây dựng đã phát sinh nhiều hệ lụy trong bối cảnh cán bộ quản lý về đất đai, xây dựng, quy hoạch còn thiếu và còn yếu. Đặc biệt là khâu hậu kiểm có nhiều “vấn đề”.
Điển hình như ở Bình Dương hay Đồng Nai, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, người dân ở khắp nơi đổ về làm ăn, sinh sống và an cư thì việc miễn giấy phép xây dựng có thể sẽ phát sinh nhiều hệ lụy về sau này. Ví dụ rất nhiều trường hợp tại Bình Dương do được miễn giấy phép xây dựng nên người dân chỉ cần thông báo đến chính quyền địa phương là vào ngày tháng đó họ xây nhà.
Thông báo làm nhà ở riêng lẻ nhưng trong quá trình triển khai, họ đã tự động ngăn thành nhiều phòng để làm nhà trọ cho thuê. Thậm chí đang có một “phong trào” hô biến nhà ở riêng lẻ thành các chung cư mini (diện tích 25-30m2 bao gồm cả gác lửng) để bán theo hình thức vi bằng, đồng sở hữu.
Tình trạng biến tướng này sẽ hình thành các khu nhà ổ chuột, làm tăng mật độ dân số, áp lực lên hạ tầng đô thị. Việc chỉnh trang đô thị sau này ở những khu vực như thế này sẽ vô cùng khó vì nhà cửa san sát, đền bù sẽ khó khăn vô cùng.
“Sau này khi chính quyền hay doanh nghiệp muốn đầu tư, chỉnh trang sẽ rất khó khăn vì vướng quá nhiều nhà, khó giải phóng mặt bằng khi chi phí rất tốn kém, nên ngay từ khi người dân xin phép khởi công, chính quyền cần giám sát nghiêm để tránh phát sinh các khu nhà ba chung, chung cư mini ổ chuột”, ông Nam phân tích.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND một huyện tại TP.HCM nói rằng dù luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định
đất ở nông thôn không phải xin phép xây dựng đối với nhà riêng lẻ dưới 7 tầng, nhưng thực tế ở TP.HCM có luật bất thành văn là tất cả nhà riêng lẻ của người dân dù lớn hay nhỏ đều phải xin giấy phép xây dựng. Bởi theo vị này, dù là đất ở nông thôn tại các xã nhưng thực tế TP.HCM có một đặc thù riêng, khác biệt với các tỉnh thành khác khi TP.HCM là đô thị đặc biệt, nên phải là đất ở đô thị chứ không phải là đất ở nông thôn.
Ngoài ra, dân số tại TP.HCM quá đông và tăng nhanh, do đó nếu không kiểm soát bằng giấy phép xây dựng thì sẽ rất rối loạn. Thêm nữa, khái niệm
đất ở nông thôn cũng đang gây tranh cãi tại TP.HCM khi có người hiểu đất ở nông thôn là “đất ở tại nông thôn”, còn TP.HCM là đô thị nên phải cấp phép xây dựng.