Vũng Tàu Paradise: Đất vàng nhưng không biết khai thác

Ngày đăng: 23/01/2020

Với thời hạn 25 năm, dự án Vũng Tàu Paradise đầy tai tiếng ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đến hồi đóng cửa. Tuy đã hết phép hoạt động, nhưng câu chuyện tiếp theo về thanh lý cũng như định đoạt số phận của dự án này lại không hề đơn giản.

Bế tắc, thua lỗ suốt 25 năm

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Sở KH&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, mặc dù trong tháng 4/2016, khi dự án này hết thời hạn hoạt động, Sở đã kiến nghị với UBND Tỉnh xem xét gia hạn thêm thời gian hoạt động của dự án này khoảng 3 tháng để chủ đầu tư bảo quản tài sản, đồng thời thực hiện các thủ tục thanh lý dự án theo quy định. Tuy nhiên, nhiều khả năng đến hết năm 2017, dự án trên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, dù theo Luật Đầu tư, các bên liên doanh đã đầu tư, khai thác Dự án sẽ phải tổ chức thanh lý Dự án trong thời hạn 12 tháng tới.

Không muốn từ bỏ khu đất vàng còn sót lại thuộc dạng “độc nhất vô nhị” với diện tích 220ha tại thành phố biển Vũng Tàu, khi Dự án Vũng Tàu Paradise sắp hết hạn, phía nhà đầu tư Đài Loan trong liên doanh Dự án muốn được gia hạn giấy phép để được tiếp tục đầu tư Dự án hoặc giao đất để họ mời gọi đối tác khác vào đầu tư. Tất nhiên, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã không chấp nhận đề xuất này, vì trong suốt 25 năm qua, dự án này liên tục đình trệ, bế tắc, thua lỗ và để lại nhiều tai tiếng cho địa phương.

Tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư

Theo ông Nguyễn Phước Lễ, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mục tiêu mới của Tỉnh là kêu gọi nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch để tiếp tục triển khai Dự án sau khi hoàn tất công việc thanh lý. Song, theo một nguồn tin riêng của Báo Đấu thầu, để viễn cảnh dự án trên đi vào hiện thực, nếu mọi chuyện suôn sẻ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng phải mất thêm cả chục năm nữa, chứ không thể một sớm một chiều.

Từ năm 1991 khi dự án này được cấp phép, với tổng vốn đầu tư 97,2 triệu USD, trong đó, phía Công ty Paradise Development and Investment của Đài Loan, góp 75% vốn điều lệ và Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu góp 25% vốn điều lệ bằng quyền sử dụng 220ha đất, chính quyền và người dân địa phương đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào “thiên đường nghỉ dưỡng” này. Vậy nhưng, trái với mong đợi, người dân chẳng thụ hưởng được gì từ Dự án, đặc biệt, khoản lợi nhuận khổng lồ khoảng 50 triệu USD mà phía đối tác Việt Nam tin là sẽ thu được sau 25 năm liên doanh không những không đạt được mà còn gặp nhiều rắc rối khi liên doanh này chìm ngập trong nợ nần.

Thực tế cho thấy, các hạng mục chính được đầu tư theo cam kết trong suốt vòng đời của dự án này chỉ là sân golf 27 lỗ, rộng 130 ha, đưa vào hoạt động từ năm 1995 và một số hạng mục nhỏ như khu thể thao dưới nước, khách sạn 38 phòng và khu nhà rông 54 căn, số còn lại đều đình trệ từ đó đến nay. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang nhòm ngó đến dự án này, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tỉnh chưa chốt lại phương án cụ thể nào. Có thể, Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu tiếp tục là một cổ đông lớn để đồng hành cùng dự án này trong chặng đường tới, nhưng làm gì thì làm cũng phải theo quy hoạch và định hướng chiến lược của Tỉnh.

0978 38 44 38
chat 0978384438