Định nghĩa mới về bất động sản nghỉ dưỡng

Ngày đăng: 22/01/2020

Quan niệm truyền thống về bất động sản nghỉ dưỡng chỉ là những khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng ở nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách đang dần trở nên lạc hậu.

Trao đổi bên lề Hội thảo “Xu hướng dòng tiền trong bối cảnh thị trường bất động sản phân hóa” diễn ra mới đây tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC cho biết, sau giai đoạn trầm lắng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã có sự trở lại ấn tượng.

Nhờ chính sách phát triển du lịch đã tạo ra diện mạo mới cho thị trường này. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng do các tập đoàn lớn đầu tư, trong đó có FLC, đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo cho hàng loạt vùng du lịch như Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Ninh, Phú Quốc, Khánh  Hòa, Đà Nẵng…

Để làm được điều này, các dự án nghỉ dưỡng đã có sự thay đổi khá đáng kể. Thay vì chỉ tập trung vào phát triển những căn biệt thự bề thế, sang trọng với các tiện ích đẳng cấp để phục vụ hoạt động nghỉ ngơi, an dưỡng như trước, các dự án hiện nay còn phát triển thêm nhiều hạng mục khác để phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí, trải nghiệm cũng như khám phá của du khách.

Đây là mô hình phát triển mới và hiện đại, đã được áp dụng tại các thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới như Phuket (Thái Lan), Singapore, Hongkong từ hàng chục năm trước. Những mô hình như Genting, Lan Quế Phường hay Pattaya…, đã đóng góp vào doanh thu ngành du lịch ở các nước này hàng chục tỷ USD.

Với việc đáp ứng “trọn gói” nhu cầu của du khách trong cùng một dự án, mô hình này thu hút nhiều du khách đến đây để tận hưởng, trải nghiệm những kỳ du lịch thú vị và trở lại thêm nhiều lần nữa. Nhờ đó, nó cũng quyết định tới khả năng vận hành và khai thác hiệu quả của một dự án nghỉ dưỡng.

Đồng quan điểm với ông Quyết, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các mô hình nghỉ dưỡng hiện nay đã có sự thay đổi lớn so với nhiều năm trước và đang tiệm cận hơn với các mô hình hiện đại và quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi lẽ để có thể tạo sự bứt phá cho ngành du lịch nước nhà, rất cần có sự khác biệt trong phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Thực tế, khái niệm nghỉ dưỡng hiện tại đã vượt qua nghĩa đơn thuần là nghỉ ngơi và an dưỡng, mà nó phải được hiểu là một “hệ sinh thái nghỉ dưỡng”. Không chỉ là những khách sạn, biệt thự cao cấp, mà còn cả những tiện ích khác đi kèm như khu vui chơi giải trí, khu mua sắm, khu sauna-massage…để phục vụ các nhu cầu của con người.

Nhắc lại về những thời điểm đầu tiên khi thị trường nghỉ dưỡng mới bắt đầu nhen nhóm tại Việt Nam vào năm 2004, ông Thành cho biết, ý tưởng bất động sản nghỉ dưỡng chính là nhắm tới việc phục vụ các đối tượng khách du lịch từ Nhật Bản.

Những du khách này không chỉ quan tâm tới chất lượng dịch vụ của các khách sạn, biệt thự tại các dự án nghỉ dưỡng, mà còn quan tâm tới những tiện ích xung quanh phục vụ các nhu cầu giải trí đa dạng khác nhau như mua sắm, giải trí, khám phá, trải nghiệm.

Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã sang Việt Nam tìm hiểu và đặt vấn đề xây dựng nơi nghỉ dưỡng phục vụ đối tượng này và khi đó, dải đất miền Trung bắt đầu hình thành thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và phục vụ cho người già Nhật. Mặc dù sau đó, việc đàm phán không thành công, nhưng nó cũng mở ra chu kỳ cho sự phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ghi nhận trong thực tế, tại Việt Nam, nhiều khu nghỉ dưỡng hiện nay phần lớn là đầu tư vào nhu cầu để ở và kinh doanh. Với tổ hợp nghỉ dưỡng thực thụ, cần phải có thêm hai yếu tố khác là mua sắm và vui chơi giải trí, điều này chỉ mới thực hiện được ở một số dự án của tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Empire Group hay FLC. Điều đó lý giải tại sao Việt Nam có những nơi có phong cảnh tuyệt đẹp, nhưng vẫn kém hấp dẫn du khách, kể cả khách nội địa.

“Thống kê của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu khoảng 6 tỷ USD (con số này trong năm 2012 chỉ khoảng 3,5 tỷ USD). Đây là con số chi tiêu rất lớn và nếu biết nắn dòng tiền này chuyển hướng vào du lịch nội địa thông qua các mô hình nghỉ dưỡng mới thì sẽ rất có lợi”, ông Quang nói.

0978 38 44 38
chat 0978384438